PHẤN HƯƠNG RỪNG THƠM MÃI

Hơn năm nữa, Hà Tiên tròn 300 năm tạo lập.
Tại điểm chót cùng của ba thế kỷ ấy, tôi băn khoăn tự hỏi, duyên do nào khiến Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn? Phải chăng, trong trí của con người mang sứ mệnh trị, bình này đã nhìn rõ bối cảnh địa chính trị khu vực mà Ðàng Trong là nơi ông có thể yên tâm gửi trao thân phận? Không sai. Nhưng chắc còn nguyên do sâu xa nữa nằm trong văn hóa: Mạc biết rằng về với Ðại Việt là về noi đồng chủng đồng văn. Ðó là cơ trời để khai sinh dòng họ Mạc Hà Tiên, đóng mốc son chói lọi trong sử Việt. Công khai trấn càng thêm rực rỡ khi ba chục năm sau, con ông, nhà thơ Mạc Thiên Tích dựng cờ tao đàn mở ra văn hiến Hà Tiên. Văn hiến Hà Tiên là hoa trái của hạt giống văn hóa cao gieo xuống miền đất phì nhiêu.
300 năm Hà Tiên là lịch sử Việt Nam rút gọn. Sau khai cơ mở trấn là chiến công giữ đất với biết bao xương máu, biết bao anh hùng. Và trên đỉnh của những công trạng ấy là văn hóa. Bởi lẽ, nói cho cùng, văn hóa là đấu tích duy nhất mà con người để lại trên hành tinh này.
Những cỗi rẽ văn hóa khi cắm sâu vào đất Hà Tiên tỏ ra bền vững.
Sau Mạc Thiên Tích, là thấp thoáng bóng dáng của vị tướng, nhà thơ Doãn Uẩn với những vần thơ cảm khái, với lời nói cùng tướng sĩ giữa trận mạc: "Chúng ta hôm nay chính là thơ người xưa tả đấy!". Sau vị tử tước này gần trăm năm, là Huỳnh Mẫn Ðạt với Ðiếu Nguyễn Trung Trực bất hủ.
Sớm nhận biết giá trị của văn hiến quê hương nên đầu thế kỷ trước, những nhân sĩ Hà Tiên trong Hội Lạc Thiện như Nguyễn Ðình Quang viết Gia phả Hà Tiên, Nguyễn Phương Chánh công bố thơ quốc âm thi phái Chiêu Anh Các trên Nông cổ mín đàn, và đặc biệt, ông thông ngôn La Thành Ðầm, sau thời gian ra miền trung tìm được Thần chú thỉnh tiên - ca trù thập cảnh Hà Tiên tức Hà Tiên quốc âm thập vịnh lang bạt trong dân gian dưới dạng 10 bài hát ca trù...
Chính trong bối cảnh văn hóa này, trong hồn Việt của Hà Tiên mà thế kỷ XX cho Hà Tiên, cho Việt Nam một cặp tình nhân một căﰠthi nhân trác tuyệt Mộng Tuyết - Ðông Hồ.
Lần đầu tiên trong ý nghĩa văn chương, tôi đặt Mộng Tuyết trước Ðông Hồ, chắc không ít người bỡ ngỡ. Nhưng đó là lẽ công bằng. Nửa thế kỷ nay, người đời cho rằng Thất tiểu muội chỉ là cái bóng, là kẻ ăn theo bên cạnh vóc dáng lừng lừng của nhà thơ, nhà văn hóa Ðông Hồ. Một điều bất công với nữ sĩ. Phấn hương rừng - "Tập thơ bìa thếp vàng, giấy tàu tốt, chính nữ sĩ viết và vẽ để làm vui riêng trong khuê phòng. Nét bút hoa mỹ, nét vẽ phóng túng, thỉnh thoảng lại chen vào ít câu chữ Hán."* từng nhận giải Tự lực văn đoàn năm 1938 đã in đậm dấu ấn thơ trong văn chương Việt. Dấu ấn khác của nữ sĩ là Nàng ái cơ trong chậu úp . Với tiểu thuyết này, nữ sĩ sáng tạo ra huyền thoại đẹp cho Hà Tiên. Có nhà nghiên cứu bảo chuyện đó không thực. Có thể như vậy nhưng Hà Tiên sẽ mất mát nhiều nếu không có nàng Ai Cơ! Chất thơ của phấn hương rừng còn tỏara man mác từ con người thân thiện, đôn hậu của nữ sĩ. Mỗi lần gặp nữ sĩ là như tôi gặp Ðông Hồ, Hà Tiên, gặp một hồn Việt xa xưa mà sâu lắng. Tôi từng bước vào Vương giả hương đình của Ðông Hồ xưa đường Nguyễn Trọng Tuyển Sài Gòn như vào cõi thiêng hàn mặc. Tình nguyện làm người giữ đền trong lâu đài văn hóa Ðông Hồ, Mộng Tuyết dường như quên mình là một nhà thơ. Có lần tôi nói: "Cô Bảy cho in thơ của cô đi, thơ cô hay hơn của chú Ðông Hồ." "Vậy sao?" Bà hỏi lại tôi rồi cười khiêm nhường. Nhưng khi thơ bà in ra lại chìm trong quên lãng. Có thể vì thời buổi đã khác, có thể vì bạn lứa của bà, những tên tuổi lẫy lừng trên thi đàn đều đã đi xa, không còn ai đủ tinh tế cảm thơ để giới thiệu nữ sĩ? Nay nữ sĩ ra đi cũng là lúc định luận về bà. Tôi cho rằng, cả với văn chương, cả trong cuộc đời, bà là bài thơ đẹp.
Có thể tôi thiên vị, nhưng thiển nghĩ, hơn mọi thứ tài năng, tài năng văn chương quý hiếm nhất. Hà Tiên có Chiêu Anh Các và có Mộng Tuyết - Ðông Hồ, đó là những kho tàng văn hóa tinh thần quý giá, là nguồn năng lượng tiềm tàng, nếu biết trân trọng và khai thác, sẽ tạo sức mạnh lớn lao nâng mảnh đất thần tiên này cất cánh bay cao.

Thành phố Hồ Chí Minh 3.7.2007