GOM NHẶT THỜI GIAN KÝ ỨC

Trần Nhã Thụy

Trước hết xin thú nhận rằng, xưa nay tôi cứ tưởng Hà Văn Thùy chỉ là “dân” văn xuôi, không ngờ anh cũng là “tín đồ” của thơ từ rất lâu rồi. Có lẽ, Hà Văn Thùy đã đến với thơ trước khi “gắn bó” với văn, như một người đã dở dang với mối tình đầu để rồi không thể nào quên được thời gian ký ức. Mà biết đâu chính sự dở dang đó là điều may, vì anh đã giữ riêng cho mình một “góc thơ”, một góc đẹp đẽ, lãng mạn thuần khiết khó phai nhòa. Thật vậy, làm sao trở lại được, làm sao nói được những lời yêu xưa:

Sẽ chẳng bao giờ tôi nói yêu em
Nhưng nỗi yêu ai mà cấm được
Dù tóc tôi điểm nhiều sợi bạc
Còn em trẻ đến se lòng!
(Sẽ chẳng bao giờ. Tr 8)

Có một chút gì đó làm se lòng nhưng cũng có một chút gì đó làm lòng ta ấm lại đó là thơ Hà Văn Thùy. Một người đã rời bỏ miền Bắc gốc quê để vào sống nơi xa xôi đầu sóng ngọn gió của đất miền Nam. Sự chia tách dịch dời trong địa lý đó cộng với sự đổi thay trong đời sống, chắc hẳn đã cho anh những “chấn động” không nhỏ trong tâm hồn cũng như trong ý thức. Anh vừa nhớ nhung quê cũ lại vừa ngỡ ngàng nơi đất lạ, nơi nào cũng đẹp nhưng cái đẹp có làm vơi bớt nỗi hoang mang, những cơn mê đắm:

Mái đình nào không lượn một đường cong
Viên ngói nào không xám màu rêu phủ
Và bia đá thờigian nắng gió mỏi mòn
Nói những gì tôi chưa rõ…
(Thời gian gom nhặt. tr 83)

Trong những tình cảm mông lung, mơ hồ ấy Hà Văn Thùy đã tìm đến với thơ. Có thể nói thơ anh là những cảm xúc chân thành là lời bộc bạch tự sâu thẳm đáy lòng. Với thơ, Hà Văn Thùy cũng đã giải tỏa được phấn nào những chồng chất ý niệm đời sống. Nhưng có lẽ sau này khi chuyển hẳn sang văn xuôi mới là lúc anh tìm lại đúng với con người của mình nhất. Tuy nhiên cũng không nên phân chia rạch ròi làm gì, bởi thơ hay văn cũng chỉ là “vui chơi”, là một phần rất nhỏ của đời sống mỗi người, là chút niềm vui, nỗi buồn còn lại:

Ôi dòng sống nâng cặp mi dài
Chỗ rẻ xa xa nhòa đuôi mắt
Xôn xao quá là dòng nước bạc
Về đâu sông ơi!
(Về đâu sông ơi. Tr 85)

Trong tập thơ được coi là “những tâm tình cũ” này, cũng là lần đầu tiên Hà Văn Thùy công bố ba bức thư mà nhà thơ Chế Lan Viên đã viết cho anh. Đây hoàn toàn không phải là chuyện “ăn theo” một tên tuổi lớn bởi thơ là giá trị tự thân. Tuy nhiên, theo lời của Hà Văn Thùy thì đây là cơ hội thích hợp (và duy nhất) để anh bày tỏ lòng biết ơn về sự tốt đẹp của con người. Trong thư viết cho Hà Văn Thùy, nhà thơ Chế Lan Viên có nói: “Làm thơ là chuyện mênh mông, chân trời lùi ra mãi…” và với tập thơ của mình, Hà Văn Thùy đã đặt tên là “Thời gian gom nhặt.” Có pphải anh cũng rất ý thức được sự mênh mông vô tận đó. Thơ anh là những gom nhặt qua thời gian là điểm sáng nhỏ bé lung linh huyền nhiệm theo anh đi đến cuối cuộc đời (!)


Bình Thạnh 7-2000
Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.