Về câu tục ngữ “Gái thương chồng…”

Trên talawas ra ngày 26.12.2006, tác giả Nguyễn Đức Dương có bài viết giảng giải câu tục ngữ “Gái thương chồng đang đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm”. Thấy đây là đề tài lý thú, tôi xin bàn góp đôi lời.
1/ Nắng quái hay nắng xế?
Để giảng một câu tục ngữ, điều trước hết là phải có văn bản chính xác của câu đó. Câu tục ngữ ở dạng văn bản trên gợi ra sự hoài nghi. Vì vậy trước khi vào chuyện, không thể không xem xét tính xác thực của văn bản.
Tục ngữ do người bình dân sáng tác rồi được lưu truyền trong dân gian bắng cách truyền miệng, luôn được cải biên, chỉnh lý. Do vậy mà tục ngữ thường có dị bản. Khi được ghi lại, thì chúng được ghi theo cách hiểu của người ghi. Với thời gian, cách hiểu đó được coi là chính thống và mặc nhiên những dị bản khác bị mai một. Vì thế rất dễ xảy ra tình trạng “phượng hoàng chặt cánh đuổi đi, rước con bìm bịp đem về mà nuôi!”
Với câu trên, ta thấy: từng cặp vần chồng/đông, chợ/vợ được bố trí đúng quy luật gieo vần của tục ngữ. Vậy thì sau từ vợ, theo quy tắc hiệp vần phải là vần ợ, được gọi là chính vận. Nhưng nếu cứng nhắc như thế, câu tục ngữ với liên tục 3 vần ợ sẽ lâm vào tình trạng khổ độc. Để tránh việc này, dân gian dùng phép biến vận. Trong những biến vận có thể có, dân gian tìm được nhửng từ xế, quá để tạo thành nắng xế hay nắng quá chiều hôm. Có thể cả hai dạng này cùng tồn tại. Nhưng nắng quá ít phổ biến. Trong khi đó từ nắng quái lại quen thuộc nên dân gian, lúc này là người hưởng thụ, thiếu cái sâu sắc của người sáng tác, theo thói quen, chuyển hoá thành nắng quái chiều hôm một cách vô thức. Rồi vì sự ngẫu nhiên, cách hiểu đó được văn bản hoá, trở nên chính thống và truyền tới chúng ta. Tuy nhiên, nếu phân tích theo luật hợp vận thì vợ chỉ gồm một phụ âm và một nguyên âm, nên hiệp vần với nó cũng chỉ có thể là một từ gồm một nguyên âm và một phụ âm: xế. Từ quá là sự chọn lựa gượng ép, còn quái lại càng gượng ép hơn nên không thể chấp nhận! Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, nguyên bản của câu tục ngữ phải là trai thương vợ nắng xế chiều hôm! Cách nói này tôi gặp khoảng 50 – 60 năm trước, trong dân gian đồng bằng Bắc Bộ, nơi những người dân it học. Phải chăng đó là nguyên bản của câu tục ngữ được lưu giữ trong dân gian? Chính do biến dạng từ nắng xế sang nắng quái đã dẫn đến sự hiểu lầm: từ câu tục ngữ phản ánh sự biểu lộ tình cảm theo thời gian trở thành so sánh về trạng thái tình cảm. Do vậy một câu tục ngữ vốn đơn giản dễ hiểu trở thành câu đố không lời giải!
2/ Thử giải nghĩa câu tục ngữ
Nói nôm na, tục ngữ là lời nói thông tục. Nhưng đó không phải lời thông thường mà là những lời đúc kết trí khôn của dân gian phản ánh quy luật chung nhất của tự nhiên và xã hội, phản ánh một cách khách quan, vô tư, không mang tính chất của lời dạy đạo đức. Thuốc đắng giã tật; trung ngôn nghịch nhĩ; khôn sống mống chết… là những tục ngữ như vậy.
Đọc những cách giảng mà tác giả Nguyễn Đức Dương giới thiệu trong bài viết của ông, tôi thấy mỗi cách giải đều có lý riêng nhưng không có cách nào thật thuyết phục. Ngay ý của tác giả cho rằng “ đề tài mà câu tục ngữ đề cập là "tình thương yêu vợ chồng" nên biểu thức thích hợp hơn cả có lẽ là: NÊN HẾT LÒNG CHIỀU CHỒNG / NÊN HẾT LÒNG CHIỀU VỢ”, theo tôi cũng không ổn. Trước hết, cách hiểu như thế không đúng với bản chất của tục ngữ là phản ánh quy luật khách quan. Tục ngữ không phải là bài đức dục vì vậy không khuyên ai nên thế này hay nên thế kia.
Từ lâu rồi, tôi có cách hiểu của mình: cuộc đời của con người ví là một ngày thì người vợ thương chồng vào lúc chợ đông, tức lúc tuổi đang trẻ, đang xuân, khoảng 9g 30 tới 10 giờ 30 sáng. Còn vào lúc xế bóng cuộc đời, người chồng mới biết thương vợ. Quả thật tôi không yên tâm lắm vào cách lý giải này nhưng thời gian dài cũng chưa tìm ra cách giải xuôi hơn. Một lần trên xe từ thành phố Hồ Chí Minh về Rạch Giá, tôi hỏi người bạn. Anh nói: “Anh là người thứ hai hỏi tôi câu ấy. Trước đây nhiều năm, cũng trên xe thế này, một cô gái hỏi tôi. Lúc đầu tôi củng phân vân. Nhưng sau rồi hai anh em bàn luận, tôi thấy, câu đó nói rằng, đang đông buổi chợ là lúc ồn ào, sôi nổi. Gái thương chồng là tình thương ồn ào bộc phát, nhưng sau đó là chợ chiều vắng lặng. Còn người trai thương vợ lặng lẽ như nắng quái chiều hôm, không gay gắt nhưng sâu bền; cũng gần với câu Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.” Tôi thấy lời giải của bạn có vẻ xuôi tai. Nhưng rồi sau đó, ngẫm nghĩ lại, tôi nhận ra, không hẳn vậy! Đúng là đàn bà nông nổi nhưng là sự nông nổi về tư tưởng, còn tình cảm không hẳn là bột phát bột tàn. Thêm nữa, nếu sau chợ đông là chợ chiều lặng lẽ thì sau nắng quái lại là nắng tắt, tức là cùng dễ quên như nhau! Sự so sánh không cỏn ý nghĩa. Mặt khác, đâu phải tình thương của người vợ không sâu đằm khi xế chiều? Ở đây còn có sự không phù hợp trong nguyên tắc so sánh. Nếu mọi sự so sánh đều khập khễnh thì so sánh trạng thái tình cảm bằng cảnh chợ đông với nắng quái càng khấp khểnh hơn vì là so sánh giữa hai đối tượng khác loại!
Không chịu dừng, tôi đi hỏi một nhà nghiên cứu. Ông nói: “Tôi cũng băn khoăn về câu này, suốt cả một phần cuộc đời không tìm ra cách giải. Nhưng rồi một lúc nào đó, tôi ngộ ra. Trước hết, tôi nhớ lại câu đó là nắng xế chứ không phải nắng quái. Nắng quái vừa không đúng vừa vô nghĩa. Sở dĩ chúng ta không hiểu nổi chính vì chữ quỷ “quái” này. Nắng quái dẫn ta lạc vào tìm hiểu sắc độ của nắng, từ đó liên hệ tới trạng thái tình cảm, làm ta tưởng rằng nó có một ý nghĩa sâu xa nào đó. Còn nắng xế, chỉ là thông báo thời gian đơn thuần, khiến ta hiểu ngay được đúng ý câu tục ngữ… Tục ngữ không phải là câu đố. Với một câu tục ngữ mà không ai hiểu đúng được, là có vấn đề! Thực ra nó rất đơn giản, rất gần với nghĩa đen. Câu này sinh ra trong cộng đồng nông nghiệp chồng cày vợ cấy. Hãy tưởng tượng, buổi sáng mùa hè, người vợ trẻ dậy sớm nấu cơm nước, chăm gà lợn sau đó dọn cơm cho chồng ăn uống để đi cày đồng xa. Chồng đi rồi, nàng cũng vội vàng ra đồng cắt cỏ. Khoảng gần trưa – vào lúc đang đông buổi chợ, 9 giờ 30 tới 10 giờ 30, theo cách tính thời gian cùa dân cư nông nghiệp - người vợ trẻ về nhà, vội vàng lo cơm nước, lúc này lòng thấy thương chồng: nắng bức, mệt nhọc, khát, đói. Nấu xong cơm, cho lợn gà ăn rồi đầu đội bó cỏ, tay xách cơm nước, chân bước vội ra đồng. Người trai cày đồng xa, suốt ngày làm việc một mình với con trâu, một công việc đơn độc và buồn tẻ. Khi nắng xế chiều về, người thấm mệt, càng thấy vắng vẻ nên càng nhớ nhà: thương vợ tảo tần vất vả, mong chóng hết buổi về nhà sum họp cùng với niềm vui ban tối… Như vậy câu tục ngữ chỉ nói về thời điểm thương nhớ trong một ngày của người vợ người chồng nông dân trẻ thời xưa. Chỉ đơn giản vậy thôi mà không hề nói tới trạng thái của tình cảm. Là sản phẩm của nền tiểu nông xưa nên con người hiện đại khó cảm được câu này. Hiểu như vậy cũng phù hợp với nguyên tắc so sánh: trong thời gian một ngày thì người vợ thương chồng lúc này, còn người chồng thương vợ lúc khác.”
Cách giải này thoà đáng không, xin bạn đọc vui lòng chỉ giáo!
Sài Gòn, cuối năm Bính Tuất


PHẤN HƯƠNG RỪNG THƠM MÃI

Hơn năm nữa, Hà Tiên tròn 300 năm tạo lập.
Tại điểm chót cùng của ba thế kỷ ấy, tôi băn khoăn tự hỏi, duyên do nào khiến Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn? Phải chăng, trong trí của con người mang sứ mệnh trị, bình này đã nhìn rõ bối cảnh địa chính trị khu vực mà Ðàng Trong là nơi ông có thể yên tâm gửi trao thân phận? Không sai. Nhưng chắc còn nguyên do sâu xa nữa nằm trong văn hóa: Mạc biết rằng về với Ðại Việt là về noi đồng chủng đồng văn. Ðó là cơ trời để khai sinh dòng họ Mạc Hà Tiên, đóng mốc son chói lọi trong sử Việt. Công khai trấn càng thêm rực rỡ khi ba chục năm sau, con ông, nhà thơ Mạc Thiên Tích dựng cờ tao đàn mở ra văn hiến Hà Tiên. Văn hiến Hà Tiên là hoa trái của hạt giống văn hóa cao gieo xuống miền đất phì nhiêu.
300 năm Hà Tiên là lịch sử Việt Nam rút gọn. Sau khai cơ mở trấn là chiến công giữ đất với biết bao xương máu, biết bao anh hùng. Và trên đỉnh của những công trạng ấy là văn hóa. Bởi lẽ, nói cho cùng, văn hóa là đấu tích duy nhất mà con người để lại trên hành tinh này.
Những cỗi rẽ văn hóa khi cắm sâu vào đất Hà Tiên tỏ ra bền vững.
Sau Mạc Thiên Tích, là thấp thoáng bóng dáng của vị tướng, nhà thơ Doãn Uẩn với những vần thơ cảm khái, với lời nói cùng tướng sĩ giữa trận mạc: "Chúng ta hôm nay chính là thơ người xưa tả đấy!". Sau vị tử tước này gần trăm năm, là Huỳnh Mẫn Ðạt với Ðiếu Nguyễn Trung Trực bất hủ.
Sớm nhận biết giá trị của văn hiến quê hương nên đầu thế kỷ trước, những nhân sĩ Hà Tiên trong Hội Lạc Thiện như Nguyễn Ðình Quang viết Gia phả Hà Tiên, Nguyễn Phương Chánh công bố thơ quốc âm thi phái Chiêu Anh Các trên Nông cổ mín đàn, và đặc biệt, ông thông ngôn La Thành Ðầm, sau thời gian ra miền trung tìm được Thần chú thỉnh tiên - ca trù thập cảnh Hà Tiên tức Hà Tiên quốc âm thập vịnh lang bạt trong dân gian dưới dạng 10 bài hát ca trù...
Chính trong bối cảnh văn hóa này, trong hồn Việt của Hà Tiên mà thế kỷ XX cho Hà Tiên, cho Việt Nam một cặp tình nhân một căﰠthi nhân trác tuyệt Mộng Tuyết - Ðông Hồ.
Lần đầu tiên trong ý nghĩa văn chương, tôi đặt Mộng Tuyết trước Ðông Hồ, chắc không ít người bỡ ngỡ. Nhưng đó là lẽ công bằng. Nửa thế kỷ nay, người đời cho rằng Thất tiểu muội chỉ là cái bóng, là kẻ ăn theo bên cạnh vóc dáng lừng lừng của nhà thơ, nhà văn hóa Ðông Hồ. Một điều bất công với nữ sĩ. Phấn hương rừng - "Tập thơ bìa thếp vàng, giấy tàu tốt, chính nữ sĩ viết và vẽ để làm vui riêng trong khuê phòng. Nét bút hoa mỹ, nét vẽ phóng túng, thỉnh thoảng lại chen vào ít câu chữ Hán."* từng nhận giải Tự lực văn đoàn năm 1938 đã in đậm dấu ấn thơ trong văn chương Việt. Dấu ấn khác của nữ sĩ là Nàng ái cơ trong chậu úp . Với tiểu thuyết này, nữ sĩ sáng tạo ra huyền thoại đẹp cho Hà Tiên. Có nhà nghiên cứu bảo chuyện đó không thực. Có thể như vậy nhưng Hà Tiên sẽ mất mát nhiều nếu không có nàng Ai Cơ! Chất thơ của phấn hương rừng còn tỏara man mác từ con người thân thiện, đôn hậu của nữ sĩ. Mỗi lần gặp nữ sĩ là như tôi gặp Ðông Hồ, Hà Tiên, gặp một hồn Việt xa xưa mà sâu lắng. Tôi từng bước vào Vương giả hương đình của Ðông Hồ xưa đường Nguyễn Trọng Tuyển Sài Gòn như vào cõi thiêng hàn mặc. Tình nguyện làm người giữ đền trong lâu đài văn hóa Ðông Hồ, Mộng Tuyết dường như quên mình là một nhà thơ. Có lần tôi nói: "Cô Bảy cho in thơ của cô đi, thơ cô hay hơn của chú Ðông Hồ." "Vậy sao?" Bà hỏi lại tôi rồi cười khiêm nhường. Nhưng khi thơ bà in ra lại chìm trong quên lãng. Có thể vì thời buổi đã khác, có thể vì bạn lứa của bà, những tên tuổi lẫy lừng trên thi đàn đều đã đi xa, không còn ai đủ tinh tế cảm thơ để giới thiệu nữ sĩ? Nay nữ sĩ ra đi cũng là lúc định luận về bà. Tôi cho rằng, cả với văn chương, cả trong cuộc đời, bà là bài thơ đẹp.
Có thể tôi thiên vị, nhưng thiển nghĩ, hơn mọi thứ tài năng, tài năng văn chương quý hiếm nhất. Hà Tiên có Chiêu Anh Các và có Mộng Tuyết - Ðông Hồ, đó là những kho tàng văn hóa tinh thần quý giá, là nguồn năng lượng tiềm tàng, nếu biết trân trọng và khai thác, sẽ tạo sức mạnh lớn lao nâng mảnh đất thần tiên này cất cánh bay cao.

Thành phố Hồ Chí Minh 3.7.2007

GOM NHẶT THỜI GIAN KÝ ỨC

Trần Nhã Thụy

Trước hết xin thú nhận rằng, xưa nay tôi cứ tưởng Hà Văn Thùy chỉ là “dân” văn xuôi, không ngờ anh cũng là “tín đồ” của thơ từ rất lâu rồi. Có lẽ, Hà Văn Thùy đã đến với thơ trước khi “gắn bó” với văn, như một người đã dở dang với mối tình đầu để rồi không thể nào quên được thời gian ký ức. Mà biết đâu chính sự dở dang đó là điều may, vì anh đã giữ riêng cho mình một “góc thơ”, một góc đẹp đẽ, lãng mạn thuần khiết khó phai nhòa. Thật vậy, làm sao trở lại được, làm sao nói được những lời yêu xưa:

Sẽ chẳng bao giờ tôi nói yêu em
Nhưng nỗi yêu ai mà cấm được
Dù tóc tôi điểm nhiều sợi bạc
Còn em trẻ đến se lòng!
(Sẽ chẳng bao giờ. Tr 8)

Có một chút gì đó làm se lòng nhưng cũng có một chút gì đó làm lòng ta ấm lại đó là thơ Hà Văn Thùy. Một người đã rời bỏ miền Bắc gốc quê để vào sống nơi xa xôi đầu sóng ngọn gió của đất miền Nam. Sự chia tách dịch dời trong địa lý đó cộng với sự đổi thay trong đời sống, chắc hẳn đã cho anh những “chấn động” không nhỏ trong tâm hồn cũng như trong ý thức. Anh vừa nhớ nhung quê cũ lại vừa ngỡ ngàng nơi đất lạ, nơi nào cũng đẹp nhưng cái đẹp có làm vơi bớt nỗi hoang mang, những cơn mê đắm:

Mái đình nào không lượn một đường cong
Viên ngói nào không xám màu rêu phủ
Và bia đá thờigian nắng gió mỏi mòn
Nói những gì tôi chưa rõ…
(Thời gian gom nhặt. tr 83)

Trong những tình cảm mông lung, mơ hồ ấy Hà Văn Thùy đã tìm đến với thơ. Có thể nói thơ anh là những cảm xúc chân thành là lời bộc bạch tự sâu thẳm đáy lòng. Với thơ, Hà Văn Thùy cũng đã giải tỏa được phấn nào những chồng chất ý niệm đời sống. Nhưng có lẽ sau này khi chuyển hẳn sang văn xuôi mới là lúc anh tìm lại đúng với con người của mình nhất. Tuy nhiên cũng không nên phân chia rạch ròi làm gì, bởi thơ hay văn cũng chỉ là “vui chơi”, là một phần rất nhỏ của đời sống mỗi người, là chút niềm vui, nỗi buồn còn lại:

Ôi dòng sống nâng cặp mi dài
Chỗ rẻ xa xa nhòa đuôi mắt
Xôn xao quá là dòng nước bạc
Về đâu sông ơi!
(Về đâu sông ơi. Tr 85)

Trong tập thơ được coi là “những tâm tình cũ” này, cũng là lần đầu tiên Hà Văn Thùy công bố ba bức thư mà nhà thơ Chế Lan Viên đã viết cho anh. Đây hoàn toàn không phải là chuyện “ăn theo” một tên tuổi lớn bởi thơ là giá trị tự thân. Tuy nhiên, theo lời của Hà Văn Thùy thì đây là cơ hội thích hợp (và duy nhất) để anh bày tỏ lòng biết ơn về sự tốt đẹp của con người. Trong thư viết cho Hà Văn Thùy, nhà thơ Chế Lan Viên có nói: “Làm thơ là chuyện mênh mông, chân trời lùi ra mãi…” và với tập thơ của mình, Hà Văn Thùy đã đặt tên là “Thời gian gom nhặt.” Có pphải anh cũng rất ý thức được sự mênh mông vô tận đó. Thơ anh là những gom nhặt qua thời gian là điểm sáng nhỏ bé lung linh huyền nhiệm theo anh đi đến cuối cuộc đời (!)


Bình Thạnh 7-2000
Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

ĐỌC THỜI GIAN GOM NHẶT

Sơn Nam


Vùng biển vịnh Xiêm La, đảo Phú Quốc… được nhà thơ Hà Văn Thùy đề cập tới qua tập Thời Gian Gom Nhặt (Nhà xuất bản Trẻ, 1999). Trước đó và xưa hơn là có nhóm Chiêu Anh Các lấy cảnh đẹp và sinh hoạt của vùng nầy làm nguồn cảm hứng. Thơ của Hà Văn Thùy khá mới và trẻ, tràn đầy sinh lực. Tôi sực nhớ đêm nọ ở Huế, khi tâm sự về Văn nghệ với một nhà thơ lớn tuổi thì nhà thơ đất núi Ngự sông Hương đã gợi ý: “Người địa phương không thấy nét đẹp của quê mình trong khi người ở vùng khác đến họ nhận ra rõ nét hơn. Về Huế, từ trước, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã thông cảm sâu sắc qua bài Đêm tàn Bến Ngự, nay thì bối cảnh xưa không còn nữa. Cũng là trường hợp của Hàn Mặc Tử từ Quảng Bình đến đã ngây ngất trước tâm hồn cô gái Huế qua “Sao anh không về chơi thôn Vỹ…Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Chữ điền không mô tả cô gái Huế, vì mặt chữ điền là mô hình xấu xí, thiếu duyên dáng của con người nhưng đây là mặt chữ điền của ngôi nhà dư ăn dư mặc, tức là kiểu khung cửa.
Phải chăng Hà Văn Thùy đã khiêm tốn, không in chân dung của mình thêm vài hàng “lý lịch trích ngang” ở bìa sách, điều cần thiết để hiểu nhà thơ ít ra cũng vào thế hệ nào, sinh năm nào, thời kháng Pháp, chống Mỹ đã làm gì, vân vân… Thơ tức là người và cũng là lý lịch của người làm thơ. Tôi đọc nhiều bài, được biết nhà thơ là tác giả còn tương đối trẻ, từng tắm mình trong cuộc sống gay go ở đồng bằng sông Hồng, qua Người chăn vịt viết từ làng Cổ Đẳng, từ 1974:

Bố đi chăn đồng ngoài
Đêm xuống hạ lều
Đàn vịt quây quanh cây cờ lá chuối
Thương bố lạnh mà trời sương muối
Giấc ngủ chập chờn trong tiếng vịt kêu.

Cờ chuối trong tay
Bố đưa vịt đi rồi
Trao lại ban mai
Trứng hồng
Trắng ổ.

Vào phía Tây Nam của Tổ quốc, chưa chi nhà thơ đã hội nhập hữu cơ với khu Tứ giác Long Xuyên xa vời:

Đêm Tứ giác Long Xuyên
Lửa đốt đồng
Bập bùng như trong cổ tích
Không gian ngọt ngào hương mật.

Lửa đốt đồng bập bùng vẫn thức
Tim Tứ giác Long Xuyên phập phồng.
1978

Nhưng bài thơ được cảm mến nhất có lẽ là Sống cùng Rạch Giá, nơi “mặt trời lặn phía tây” của Tổ quốc ta. Bãi bùn xông hơi độc, gió mùa tây Nam thổi mạnh, về khí hậu thì bất lợi nhưng nhiều cá tôm, có giá trị kinh tế cao. Đồng bào ta đã bám trụ từ xưa để khai thác hải sản, tìm cơ mưu sinh sống. Đây không phải là bãi cát vàng hay trắng như Vũng Tàu, biển đục ngầu phù sa, quanh năm dường như chẳng bao giờ có “màu xanh của biển”. Trên bản đồ Rạch Giá là nơi đất rộng người thưa nhưng nơi dễ làm ăn thì nhà cửa chen chúc:

Thị xã cặm chân xuống biển
Con nước rông xuồng bơi thẳng vô nhà
Chú ba khía rong chơi giữa phố
Lũ trẻ bên đường săn cá lia thia

Bốn câu ấy vừa nghe đã thấy thân thương. Là người ở thị xã Rạch Giá nhiều năm, tôi cảm phục Hà Văn Thùy đã chạm khắc sắc nét bối cảnh lạ lùng và thơ mộng ấy. Nước rông (nước lớn), có thể bơi xuồng thẳng vào nhà ở bãi bùn. Ba khía là loại cua nhỏ ở bãi bùn nước mặn, sinh sôi nảy nở quá nhanh, sống như quen thân với con người. Cách nhìn và sự cảm thụ của Hà Văn Thùy vừa nhanh nhẹn, vừa mang màu sắc Á Đông, con người và thiên nhiên như hòa hợp nhau, cùng nương tựa nhau để sống.

Những nhận xét trên đây quả là còn hời hợt. Hà Văn Thùy là nhà thơ trẻ thì không còn trẻ nhưng già về tuổi tác thì chưa già. Nhưng tứ thơ ngọt ngào, chân chất, hiện thực. Cái nhìn của một người trẻ ở đồng bằng sông Hồng quả là đượm chút gì duyên dáng. Thơ của Hà Văn Thùy giống như những gié lúa đang buổi trổ đòng đòng. Lúa chưa chín như ta có thể tin rằng sẽ chín sai. Mượt mà, nhẹ nhàng, hiện thực, nhưng không rơi vào đường “triết lý tối tăm” như đa số bạn trẻ muốn “nhảy cao, đá lẹ”