ĐỌC THỜI GIAN GOM NHẶT

Sơn Nam


Vùng biển vịnh Xiêm La, đảo Phú Quốc… được nhà thơ Hà Văn Thùy đề cập tới qua tập Thời Gian Gom Nhặt (Nhà xuất bản Trẻ, 1999). Trước đó và xưa hơn là có nhóm Chiêu Anh Các lấy cảnh đẹp và sinh hoạt của vùng nầy làm nguồn cảm hứng. Thơ của Hà Văn Thùy khá mới và trẻ, tràn đầy sinh lực. Tôi sực nhớ đêm nọ ở Huế, khi tâm sự về Văn nghệ với một nhà thơ lớn tuổi thì nhà thơ đất núi Ngự sông Hương đã gợi ý: “Người địa phương không thấy nét đẹp của quê mình trong khi người ở vùng khác đến họ nhận ra rõ nét hơn. Về Huế, từ trước, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã thông cảm sâu sắc qua bài Đêm tàn Bến Ngự, nay thì bối cảnh xưa không còn nữa. Cũng là trường hợp của Hàn Mặc Tử từ Quảng Bình đến đã ngây ngất trước tâm hồn cô gái Huế qua “Sao anh không về chơi thôn Vỹ…Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Chữ điền không mô tả cô gái Huế, vì mặt chữ điền là mô hình xấu xí, thiếu duyên dáng của con người nhưng đây là mặt chữ điền của ngôi nhà dư ăn dư mặc, tức là kiểu khung cửa.
Phải chăng Hà Văn Thùy đã khiêm tốn, không in chân dung của mình thêm vài hàng “lý lịch trích ngang” ở bìa sách, điều cần thiết để hiểu nhà thơ ít ra cũng vào thế hệ nào, sinh năm nào, thời kháng Pháp, chống Mỹ đã làm gì, vân vân… Thơ tức là người và cũng là lý lịch của người làm thơ. Tôi đọc nhiều bài, được biết nhà thơ là tác giả còn tương đối trẻ, từng tắm mình trong cuộc sống gay go ở đồng bằng sông Hồng, qua Người chăn vịt viết từ làng Cổ Đẳng, từ 1974:

Bố đi chăn đồng ngoài
Đêm xuống hạ lều
Đàn vịt quây quanh cây cờ lá chuối
Thương bố lạnh mà trời sương muối
Giấc ngủ chập chờn trong tiếng vịt kêu.

Cờ chuối trong tay
Bố đưa vịt đi rồi
Trao lại ban mai
Trứng hồng
Trắng ổ.

Vào phía Tây Nam của Tổ quốc, chưa chi nhà thơ đã hội nhập hữu cơ với khu Tứ giác Long Xuyên xa vời:

Đêm Tứ giác Long Xuyên
Lửa đốt đồng
Bập bùng như trong cổ tích
Không gian ngọt ngào hương mật.

Lửa đốt đồng bập bùng vẫn thức
Tim Tứ giác Long Xuyên phập phồng.
1978

Nhưng bài thơ được cảm mến nhất có lẽ là Sống cùng Rạch Giá, nơi “mặt trời lặn phía tây” của Tổ quốc ta. Bãi bùn xông hơi độc, gió mùa tây Nam thổi mạnh, về khí hậu thì bất lợi nhưng nhiều cá tôm, có giá trị kinh tế cao. Đồng bào ta đã bám trụ từ xưa để khai thác hải sản, tìm cơ mưu sinh sống. Đây không phải là bãi cát vàng hay trắng như Vũng Tàu, biển đục ngầu phù sa, quanh năm dường như chẳng bao giờ có “màu xanh của biển”. Trên bản đồ Rạch Giá là nơi đất rộng người thưa nhưng nơi dễ làm ăn thì nhà cửa chen chúc:

Thị xã cặm chân xuống biển
Con nước rông xuồng bơi thẳng vô nhà
Chú ba khía rong chơi giữa phố
Lũ trẻ bên đường săn cá lia thia

Bốn câu ấy vừa nghe đã thấy thân thương. Là người ở thị xã Rạch Giá nhiều năm, tôi cảm phục Hà Văn Thùy đã chạm khắc sắc nét bối cảnh lạ lùng và thơ mộng ấy. Nước rông (nước lớn), có thể bơi xuồng thẳng vào nhà ở bãi bùn. Ba khía là loại cua nhỏ ở bãi bùn nước mặn, sinh sôi nảy nở quá nhanh, sống như quen thân với con người. Cách nhìn và sự cảm thụ của Hà Văn Thùy vừa nhanh nhẹn, vừa mang màu sắc Á Đông, con người và thiên nhiên như hòa hợp nhau, cùng nương tựa nhau để sống.

Những nhận xét trên đây quả là còn hời hợt. Hà Văn Thùy là nhà thơ trẻ thì không còn trẻ nhưng già về tuổi tác thì chưa già. Nhưng tứ thơ ngọt ngào, chân chất, hiện thực. Cái nhìn của một người trẻ ở đồng bằng sông Hồng quả là đượm chút gì duyên dáng. Thơ của Hà Văn Thùy giống như những gié lúa đang buổi trổ đòng đòng. Lúa chưa chín như ta có thể tin rằng sẽ chín sai. Mượt mà, nhẹ nhàng, hiện thực, nhưng không rơi vào đường “triết lý tối tăm” như đa số bạn trẻ muốn “nhảy cao, đá lẹ”